SÂN KHẤU DÂN GIAN VÀ SỰ GÌN GIỮ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Bản sắc văn hoá dân tộc không phải là khái niệm trừu tượng, mà là những giá trị tinh thần và vật chất cốt lõi của mỗi dân tộc. Văn hoá truyền thống hiện hữu trong ẩm thực, kiến trúc, trang phục, những câu chuyện lịch sử, và đặc biệt là những tác phẩm văn học dân gian. Bởi vậy, đưa văn học dân gian nói chung và sân khấu dân gian nói riêng đến gần hơn với thế hệ trẻ là việc làm cần thiết trên hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Với mục đích ấy, tổ Ngữ văn trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức hoạt động xem tuồng cho học sinh khối 10, 11 vào 13 giờ 30 phút ngày 16/3/2024 ngay tại sân khấu hội trại “Tự hào non sông – Khát vọng tuổi trẻ”. Hoạt động này thuộc nội dung chương trình giáo dục địa phương, thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2023 – 2024 của nhà trường, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Hoạt động xem tuồng trực tiếp ngay tại sân khấu ngoài trời đã giúp học sinh trường THPT Ngô Quyền hiểu thêm về tính diễn xướng của văn học dân gian; các em được nghe, được nhìn, được cảm nhận một cách chân thực nhất về nghệ thuật tuồng và sân khấu dân gian.

Vở tuồng “Thị Kính – Thị Mầu” do các nghệ sĩ nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trong hai giờ đồng hồ đã để lại nhiều ấn tượng cho các em học sinh. Có những tiếng cười giòn tan như nắng tháng ba đã vang lên bởi sự duyên dáng của các nghệ sĩ. Và, cũng đã có những khoảnh khắc nước mắt các em rơi xuống vì thương cảm cho nỗi oan Thị Kính, cho thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Những tiếng cười, những giọt nước mắt, nỗi niềm xúc động, hay sự luyến tiếc của ngày hôm ấy sẽ trở thành kỷ niệm đẹp của cả thầy và trò mãi về sau. Đối với cả người dạy và người học, đó là những phút giây quý giá được sống với giá trị văn hoá truyền thống, với văn chương và sự kết nối hiện thực.

Từ hoạt động này, các em học sinh đã biết trân trọng hơn nữa những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Cũng từ đó, việc dạy và học không chỉ là lý thuyết trên trang giấy mà còn là câu chuyện thực tiễn, để các em có thêm hứng thú học tập.

Cuối cùng, để có được hoạt động bộ môn giáo dục địa phương đầy ý nghĩa như vậy, tổ Ngữ văn xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện tối đa, cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của Đoàn trường; đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và các nghệ sĩ đã cho thầy cô cùng học sinh nhà trường có cơ hội để cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng và văn hoá dân gian một cách trọn vẹn./.