NGOẠI KHOÁ TỔ NGỮ VĂN: TÌM VỀ NGUỒN CỘI

Truyền thống văn hoá và văn học của quê hương, đất nước là những giá trị vĩnh hằng được vun đắp qua nhiều thế hệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Bản sắc văn hoá không phải là khái niệm trừu tượng, mà là những giá trị tinh thần và vật chất cốt lõi của mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Văn hoá truyền thống hiện hữu trong ẩm thực, kiến trúc, trang phục, những câu chuyện lịch sử, và đặc biệt là trong những tác phẩm văn học. Hiểu được điều này, tổ Ngữ văn trường THPT Ngô Quyền đã tổ chức hoạt động ngoại khoá 2024 – 2025 cho học sinh toàn trường vào tiết chào cờ hai ca sáng, chiều ngày 9/12/2024, với chủ đề: Tìm về nguồn cội, tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của thành phố Đà Nẵng và văn học Quảng Nam đầu thế kỉ XX đến 1945.
Hoạt động ngoại khoá diễn ra với mục đích giáo dục cho học sinh những kiến thức liên quan đến bộ môn Ngữ văn, hướng tới việc giúp các em nhận thức bản thân, kết nối văn học với cuộc sống; tạo sân chơi lành mạnh cho các em, tạo sự hứng thú, đam mê hơn trong quá trình học tập. Đồng thời, hoạt động ngoại khoá kết hợp với nội dung bài học Giáo dục địa phương để lan toả sâu hơn hiểu biết về văn hóa, văn học địa phương tới học sinh toàn trường.
Chương trình ngoại khoá mở đầu với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của bài hát Đà Nẵng tình người, qua giọng ca của em Huệ Trân lớp 11/4. Lời ca gợi niềm tự hào về thành phố Đà Nẵng – đó là Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng – Như tình cha muối mặn như tình mẹ gừng cay – Cho lòng bao đắm say cho đời bao nỗi nhớ – Núi trong lòng thành phố phố trong lòng biển khơi.
Tiếp theo chương trình là vở kịch ngắn Tình biển hương quê do tập thể học sinh các lớp 10/1, 10/5, 10/9 và 11/2 biểu diễn. Vở kịch ngắn với nội dung sâu sắc, thực tế về việc gìn giữ nghề làm nước mắm truyền thống đã để lại nhiều ấn tượng cho thầy cô và các em học sinh. Có những tiếng cười giòn tan đã vang lên bởi sự duyên dáng của những “nghệ sĩ không chuyên”. Và, có những giọt nước mắt rơi xuống vì nỗi xúc động, nghẹn ngào, vì thế hệ trẻ hôm nay đã hiểu rằng: gìn giữ làng nghề truyền thống giữa nhịp sống xô bồ, hối hả của thời hiện đại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế nhưng, chúng ta vẫn nỗ lực gìn giữ những giá trị truyền thống ấy, để con cháu đời sau mãi tự hào về những giá trị cốt lõi chẳng bao giờ mờ phai.
Ngay sau vở kịch ngắn Tình biển hương quê là tiết mục Bài ca tôm cá do tập thể học sinh lớp 10 và 11 biểu diễn. Tiết mục múa sôi động và đầy ý nghĩa. Tiếp nối chương trình ngoại khoá, đoạn bài chòi ngắn cùng các câu đố về giá trị văn hoá truyền thống Đà Nẵng và văn học Quảng Nam đầu thế kỉ XX đến năm 1945 với sự biểu diễn của cô Nguyễn Thị Chung và các em học sinh đã khiến sân trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Những lời ca ngọt ngào đưa thầy cô và học trò ngược dòng thời gian, tìm về với những giá trị truyền thống:
À ơi “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Hỡi thầy cô các em trường mình ngồi đây
Sông Hàn gió lộng, sông Hàn gió lộng làm say lòng người
Biển xanh sóng vỗ ngoài khơi
Thấm từng vị mặn, thấm lời dân ca
Đến đây như về với cội nguồn
Có Ngũ Hành Non Nước, có câu ca thắm tình.”
Tiếp theo lời hát ngọt ngào này là những câu ca gợi nhớ đến tên tuổi của cụ Phan Châu Trinh, nhà văn Thạch Lam, và bảy di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Đà Nẵng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, nghệ thuật bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, nghề làm bánh tráng Túy Loan. Những câu đố được hát qua lời bài chòi, những cánh tay nối tiếp nhau để may mắn có được cơ hội trả lời câu đố và nhận quà, cùng những nụ cười rạng ngời trên môi thầy cô và học trò ngày hôm ấy sẽ trở thành kỷ niệm vô giá mãi về sau. Đối với cả người dạy và người học, đó là những phút giây quý giá được sống với giá trị văn hoá truyền thống, với văn chương và sự kết nối hiện thực.
Hoạt động ngoại khoá kết thúc với việc tuyên truyền về việc giữ gìn, phát huy vẻ đẹp văn hóa, văn học truyền thống và hướng đến chương trình kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường THPT Ngô Quyền vào tháng 9/2025. Từ hoạt động này, các em học sinh đã biết trân trọng hơn nữa những giá trị văn hoá truyền thống của thành phố Đà Nẵng và văn học Quảng Nam đầu thế kỉ XX đến 1945.
Cuối cùng, để có được hoạt động ngoại khoá đầy ý nghĩa như vậy, tổ Ngữ văn xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện tối đa, cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của Đoàn trường; đặc biệt, xin trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô giáo và các em học sinh để cho buổi ngoại khoá có thể diễn ra một cách trọn vẹn, ý nghĩa./.