Tuyên truyền website https://baovetreemdanang.vn

Hiện nay, sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe. Trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân. Nghiên cứu này, do UNICEF Việt Nam thực hiện, Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đảm trách chuyên môn nghiên cứu và kỹ thuật, nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về thực trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam. Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời. Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại. Trong khi đang gia tăng lo ngại về tỷ lệ tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam, tỷ lệ tự tử của Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với những ước tính toàn cầu. Trong một nghiên cứu ở 90 quốc gia, trên tổng số ca tử vong ở vị thành niên là 9,1% (Wasserman và cộng sự, 2005) trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này là 2,3% (Blum và cộng sự, 2012).

Mặc dù tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần được báo cáo trong các tài liệu có sẵn là tương đối thấp, tất cả người tham gia nghiên cứu cùng chung quan điểm cho rằng tuy khó có thể ước lượng một cách chính xác nhưng cả vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang lan rộng và gia tăng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Những người được hỏi đã nói về những người có khó khăn về sức khỏe tâm thần theo nhiều cách khác nhau như: “mất năng lực nhận thức”, “tiêu cực”, hoặc “bất bình thường”. Tương tự, họ tin rằng những người đó có “suy nghĩ khác lạ”, bị “một loại bệnh gì đó”, là “một ngoại lệ”, hoặc “không ổn định”. Câu chuyện của người trả lời cũng thường xoay quanh “các tệ nạn xã hội”, từ đó kết nối với những thảo luận về nghiện chất, nghiện game trực tuyến và đánh bạc, những điều hàm chứa cả những ngụ ý về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cũng như các ngụ ý về các hành vi chống đối xã hội khác ví dụ như trộm cắp.

Ở cấp độ cá nhân, có ba yếu tố nguy cơ chính đối với thanh thiếu niên, với một số khác biệt giữa các nhóm tuổi và giới tính. Thứ nhất, sự cô lập/tự cô lập về cảm xúc là căn nguyên quan trọng đối với thanh thiếu niên lựa chọn không chia sẻ cảm xúc với ai, thường do trẻ muốn bảo vệ cha mẹ khỏi những lo âu. Với trẻ vị thành niên lớn hơn, đặc biệt là các em gái, cảm giác cô lập xã hội là hậu quả của kết hôn sớm. Với những em gái khác trong cùng độ tuổi thì sự cô lập xã hội đến từ việc nghỉ học ngoài ý muốn hoặc do gánh nặng công việc gia đình. Căn nguyên thứ hai dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe tâm thần được cho là có liên quan tới việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và những nguy cơ của các hành vi trực tuyến gây nghiện đối với những trẻ có xu hướng “sử dụng quá nhiều”. Các em trai có xu hướng chơi trò chơi điện tử nhiều hơn các em gái, nhưng các em gái có nguy cơ bị rình rập và bắt nạt trên mạng nhiều hơn. Yếu tố nguy cơ thứ ba liên quan đến những quan niệm tiêu cực về đặc điểm thể chất vị thành niên. Quy tắc quá nghiêm ngặt của gia đình, gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế – xã hội giảm sút, và những căng thẳng trong hộ gia đình được xác định là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ đối mặt với những kỳ vọng cao của cha mẹ trong làm việc nhà và chăm sóc em, và lo sợ bị cha mẹ “la mắng” do không thực hiện đầy đủ các công việc. Trẻ cũng sợ cha mẹ chỉ trích do bị điểm kém ở trường. Đối với những em thuộc giai đoạn giữa của lứa tuổi vị thành niên (trong khoảng từ 15-16 tuổi), “sự kiểm soát” của cha mẹ ví dụ như hạn chế trẻ ra ngoài với bạn, không chấp thuận các mối quan hệ tình cảm, kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động, bắt trẻ ở nhà làm việc nhà, v.v. được xem là căn nguyên chính dẫn đến tình trạng căng thẳng ở trẻ. Những lo ngại bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn đầu của lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt ở những em gái lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt hoặc những em bị coi là thừa cân. Những mối lo khác xoay quanh hình thể thấp bé, dẫn đến việc bị chọc ghẹo, bêu tên và phân biệt đối xử trong các hoạt động thể thao tại trường học. Những triệu chứng cơ thể – đau đầu, chán ăn, ngủ kém và gặp ác mộng – được nhiều người trả lời nhắc đến. Nguyên nhân phần lớn liên quan đến những căng thẳng do áp lực học tập và riêng đối với các em gái là những căng thẳng do gánh nặng công việc gia đình. Cuối cùng, việc lạm dụng chất – rượu, thuốc lá, ma túy – cũng được nhiều người tham gia nghiên cứu đề cập đến và phần lớn liên hệ tới trẻ em trai, nam thanh niên và người chồng. Theo ý kiến của người trả lời thì việc lạm dụng chất là do áp lực từ nhóm bạn “uống để quên những rắc rối”, do buồn và do áp lực xã hội nói chung. Lạm dụng chất cũng có thể dẫn tới bạo lực và kết hôn sớm ở nhóm trẻ có cha mẹ nghiện ma túy.

Trên các nền tảng mạng xã hội, có 1 website – Nền tảng kĩ thuật số bảo vệ trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lí xã hội (UNICEF) giúp ta nhìn ra toàn diện về các khía cạnh khác nhau đang ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Vậy UNICEF là gì? Và giúp chúng ta điều gì?

UNICEF được thành lập vào ngày 11 tháng 12 năm 1946 ở thành phố NewYork là một quỹ cứu tế được hình thành bởi Đại Hội đồng LHQ với một sứ mệnh phổ quát là thúc đẩy và bảo vệ quyền của tất cả trẻ em, ở khắp mọi nơi – đặc biệt là những em khó tiếp cận và có nhiều nguy cơ nhất. UNICEF Việt Nam là một trong 190 văn phòng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trên toàn thế giới và thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức Liên Hợp Quốc khác tại Việt Nam, được định hướng bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em … Sứ mệnh của UNICEF tại Việt Nam là đảm bảo rằng mọi trẻ em tại quốc gia này đều khỏe mạnh, được học tập và an toàn không bị tổn hại để các em có khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống và có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình cũng như hưởng lợi từ sự thịnh vượng của đất nước. Để đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em, toàn cầu đã tổ chức Ngày Trẻ em Thế giới (20/11) hằng năm.

Khi truy cập vào trang web của UNICEF, chúng ta sẽ thấy nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống của những bạn trẻ, hay là những video nói về bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tâm lý xã hội của trẻ em… Không những vậy, wensite còn giúp cho các bậc cha mẹ có thể hiểu sâu, rõ hơn về giáo dục trẻ em và biết mình nên làm gì hay không nên làm gì để ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Bằng cách tham gia, tìm kiếm những khóa học online hoặc đăng kí tham gia ở góc thư giãn vừa học vừa chơi với Bộ câu thi trắc nghiệm online để ta được bổ sung thêm các kĩ năng, kiến thức về quyền, bảo vệ trẻ em cho bản thân/con em mình. UNICEF khuyến khích mọi người nên truy cập vào web để biết thêm về luật lệ, quyền của trẻ em, hay những bài học về phòng vệ bản thân khỏi bạo lực, xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lí xã hội. Ngoài ra, UNICEF đang phối hợp với chính phủ và các đối tác để giảm thiểu sự chênh lệch và xây dựng một xã hội hòa nhập, không phân biệt đối xử và quan tâm giúp bảo vệ quyền của 26 triệu trẻ em Việt Nam, bao gồm cả những em bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về những kiến thức này thì hãy truy cập địa chỉ:

https://baovetreemdanang.vn để biết thêm chi tiết nhé! Hãy cùng chung tay bảo vệ tương lai của chính mình, bởi vì: Tất cả trẻ em đều có quyền sống, phát triển và phát huy hết tiềm năng của mình – vì lợi ích của một thế giới tốt đẹp hơn.