Sinh hoạt Chi bộ tháng 7/2022:THAM QUAN BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG, TỰ HÀO VỀ LỊCH SỬ CHA ÔNG

Nhân dịp sinh hoạt chuyên đề Chi bộ Trường THPT Ngô Quyền tìm hiểu lịch sử Đà Nẵng, chi bộ trường đã có buổi tham quan lí thú tại bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, quận Hải Châu vào sáng ngày 29 tháng 7 năm 2022.
Giữa cái nắng rực rỡ của mùa hè, vẻ đẹp của khu vực trưng bày với thiết kế hình vòm cung và trung tâm có hình ảnh năm cánh buồm như đang bay lên, tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho các “du khách”. Đó là biểu tượng thành phố Đà Nẵng đang vươn mình ra ôm lấy biển khơi, là khát khao và ý chí của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều Đảng viên của chi bộ đã từng đến bảo tàng Đà Nẵng với vai trò là hướng dẫn, đồng hành cùng học sinh trường trong các buổi học ngoại khóa lịch sử. Nhưng lần này, đến bảo tàng với tư cách là một người tham quan trực tiếp trong hành trình về nguồn của chi bộ, các thầy cô giáo không khỏi bồi hồi, xúc động. Dư âm kỉ niệm của ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 vẫn còn vương vấn làm cho không khí buổi tham quan càng thêm thiêng liêng, trang trọng.
Theo chân của anh hướng dẫn viên, các Đảng viên của chi bộ như được sống lại trong những trang sử bi tráng về lịch sử hình thành và phát triển Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Không gian trưng bày với diện tích hơn 3000m2, gồm 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; đặc biệt, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, nhiều tư liệu hiện vật quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Tại tầng hai, thiết kế trưng bày của bảo tàng tạo ấn tượng mạnh và xúc động với sự tái hiện quá trình chống thực dân Pháp 1858 – 1860; các phong trào yêu nước trước năm 1930; kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nhất là ở đây còn trưng bày lại một số bộ sưu tập của Bảo tàng chứng tích chiến tranh trước đây. Gian trưng bày đã tái hiện lại cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Tại đây chúng ta hiểu hơn về các danh tướng như Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương…trong thời kỳ đầu chống pháp, đã lãnh đạo quân dân đánh bại liên quân Pháp – Tây Ban Nha để bảo vệ Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chúng ta còn được nhìn thấy những hình ảnh, chứng tích và các kỷ vật của các nhà cách mạng ưu tú của Quảng Đà mà tên tuổi của họ đã gắn với những trang sách con đường như: Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Phan Văn Định, Hồ Nghinh, Trần Thị Lý,…
Lịch sử không còn khô khan trên trang sách mà hiện lên sinh động trong từng khung hình, hiện vật, thấm đẫm trái tim trong mỗi người. Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ là nơi lưu giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, dân tộc mà còn là một địa chỉ giúp nhân dân thành phố và du khách hiểu rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển và đấu tranh của thành phố.
Buổi tham quan bảo tàng Đà Nẵng của chi bộ Trường THPT Ngô Quyền đã giúp cho các Đảng viên thấu hiểu sâu sắc hơn công lao của các thế hệ đi trước đã xây dựng, gìn giữ, phát triển để có được một thành phố Đà Nẵng đáng sống như ngày hôm nay. Và vì thế, chúng ta thêm trân quý, tự hào về thành phố thân yêu; càng ý thức giữ gìn, phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước để lại.